Chiều ngày 17/12, Đại diện FLC Travel & Event Ông Lại Hữu Lâm đã tham gia Hội nghị kết nối phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh do Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Sở VHTTDL Hà Tĩnh cùng UBND huyện Nghi Xuân và UBND Huyện Can Lộc đã tổ chức nhằm tìm giải pháp thu hút du khách đến với Hà Tĩnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Anh Dũng Phó Bí thư UBND huyện Nghi Xuân cho hay: Hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc đều rất tâm huyết và muốn đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt cả hai huyện đều có thế mạnh, tiềm năng về phát triển du lịch như: Nghi Xuân với nhiều loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể văn hóa có giá trị trên 240 di tích văn hóa lịch sử; Di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, 9 di tích cấp quốc gia, 77 di tích cấp tỉnh cùng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như Ca trù cổ Đạm; Trò Kiều; dân ca Ví giặm, sắc Bùa, chèo Nghẹt…và nhiều lễ hội như: Lễ hội Cầu ngư; Lễ hội đền Củi…
Huyện Can Lộc có 89 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, có 18 di tích cấp Quốc gia (trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt), 70 di tích cấp tỉnh, có 2 di dản Mộc bản Trường Lưu và Hoàng hoa sứ trình đồ được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Can Lộc là cái nôi của Hát Ví Phường Vải Trường Lưu, cội nguồn của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Can Lộc có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng như Chùa Hương tích -Núi Hồng, hồ Cửa Thờ – Trại Tiểu, hồ Cù Lây, hồ Khe Trúc, hồ Nhà Đường…
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện đơn vị lữ hành cho biết: Hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc đã có nhiều địa điểm tham quan rất đẹp, thú vị và ấn tượng. Tuy nhiên ở mỗi điểm tham quan vẫn còn những hạn chế nhất định, ví dụ tại Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du, với diện tích rộng hơn 4ha, nằm bên Quốc lộ 8B, thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân.
Khu lưu niệm bao gồm quần thể các di tích của dòng họ Nguyễn với bề dày lịch sử trên 400 năm: “Tôi được nghe thuyết minh nói về cuộc đời, sự nghiệp cũng như tham quan đàn tế và bia đá, cây nóng, cây muỗng có tuổi đời vài trăm năm, cuốn sách Kiều khổng lồ, 47 bản sưu tập truyện Kiều…
“Tuy nhiên, tôi nhận thấy khi đi vào tham quan, chỉ đi một vòng là hết khu lưu niệm mà không có gì để níu giữ chân khách lâu hơn, trong khi tôi được nghe người hướng dẫn nói về nảy Kiều, bói Kiều. Vậy tại sao huyện Nghi Xuân không xây dựng thêm hình thức như lẩy Kiều, bói Kiều, hay tạo tiểu cảnh, cho thuê trang phục thời đó để du khách có thể mặc chụp ảnh, check-in, thậm chí là diễn xướng một vài trích đoạn Kiều tạo sự hấp dẫn, níu giữ chân khách, tránh sự đơn điệu”.
Nhận định về vấn đề trên, một đại diện khác cho hay: “Tôi đã được tham quan và trải nghiệm các địa điểm của hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc, tôi nhận thấy các địa điểm du lịch ở hai huyện đều rất đẹp, có thể tạo thành những tour liên kết như tour du lịch tâm linh kết hợp nghỉ dưỡng hoặc tour du lịch tâm linh riêng.
Tuy nhiên tôi nhận thấy cả hai huyện đều có một số vấn đề chưa thực sự thu hút khách du lịch. Thứ nhất là về cơ sở hạ tầng, các khách sạn ở hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc còn quá ít. Tôi đã đưa du khách tour miền Trung, tuy nhiên chỉ mới đi qua hai huyện này mà không nghỉ chân. Vấn đề thứ hai là hai huyện còn thiếu những sản phẩm ẩm thực, đặc biệt tạo sức hấp dẫn.
Vấn đề thứ ba, hai huyện chưa thực sự xây dựng tốt hình ảnh các địa điểm du lịch, tôi ví dụ chùa Hương tích, không phải ai cũng biết trong khi đây là ngôi chùa được giới thiệu là chùa gốc, có trước cả chùa Hương ngoài Hà Nội. Hơn nữa đây là ngôi chùa có những pho tượng cổ và còn có những viên gạch từ thời nhà Trần, vậy tại sao chúng ta không quảng bá, không xây dựng hình ảnh về ngôi chùa này.
Nếu hai huyện đẩy mạnh hình ảnh, quảng bá trên phương tiện thông đại chúng, trên truyền thông, song hành là tạo ra chuỗi cung ứng dịch vụ với giá thành tốt, hợp lý tôi tin du khách sẽ chọn điểm đến là Nghi Xuân và Can Lộc”.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thì cho rằng, Nghi Xuân và Can Lộc đều có những sản vật nông nghiệp đã tạo được thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước như: Cam; kẹo Cu đơ; dầu lạc… vậy tại sao không xây dựng sản phẩm du lịch từ những sản vật này, cho du khách đến tham quan tại vườn cam hay tại cơ sở làm kẹo Cu đơ để du khách được trải nghiệm và có thể mua sản vật trực tiếp.
Kết thúc hội nghị, ông Lê Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho hay: “Trước những chia sẻ đầy tâm huyết của các doanh nghiệp lữ hành, tỉnh sẽ ghi nhận tất cả những ý kiến, đóng góp của các doanh nghiệp. Mục tiêu phát triển và đẩy mạnh du lịch của hai huyện Nghi Xuân và Can Lộc sẽ không chỉ là nhiệm vụ của hai huyện mà đó còn là nhiệm vụ của Sở VHTTDL của tỉnh”.
Du lịch Hà Tĩnh còn tồn tại nhiều hạn chế
Được biết, huyện Nghi Xuân bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch tiêu biểu như: Du lịch cộng đồng; Du lịch sinh thái nhà vườn; Du lịch trải nghiệm nông thôn mới…Triển khai xây dựng sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP theo chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm như: Dầu lạc; Kẹo Cu đơ; Nước mắm lạch kèn; Dưa lưới…
Tổng lượt khách về du lịch của huyện Nghi Xuân trong 10 tháng đầu trong năm 2022 hơn 289.845 lượt khách, trong đó khách lưu trú trên địa bàn trên 58.105 lượt khách; Khách Quốc tế 1.139 lượt khách. Lượng khách tham quan du lịch tăng gần 300% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên Nghi Xuân còn tồn tại nhiều hạn chế như: sự liên kết vùng để phát triển du lịch chưa nhịp nhàng và khoa học, sản phẩm văn hoá du lịch còn nghèo.
Hạ tầng du lịch còn yếu kém; Hệ thống các nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn còn rất ít, chưa tạo được sức hút và chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ của khách du lịch…
Huyện Can Lộc hàng năm ước đạt hơn 43 vạn lượt khách đến với Khu du lịch chùa Hương Tích, Ngã Ba Đồng Lộc, Ngã ba Nghèn và các di tích lịch sử khác.
Tuy nhiên Can Lộc cũng có những mặt hạn chế như: Vốn kinh phí đầu tư trùng tu, tôn tạo không có dẫn tới nhiều di tích xuống cấp chưa có kinh phí trùng tu, tôn tạo.
Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phát huy giá trị di sản văn hóa, còn trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ của các cấp. Công tác tuyên truyền bảo vệ và phát huy các di tích ở một số địa phương chưa thực hiện tốt…
Với những chủ trương đúng đắn, sự nỗ lực, quan tâm và đầu tư kịp thời vào công tác phát triển ngành du lịch của Tỉnh cùng đồng hành của các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước, Công ty cổ phần du lịch và sự kiện FLC (FTE) tin chắc ràng du lịch Hà Tĩnh sẽ thu hút rất nhiều du khách trong thời gian tới.
Bình luận