Không chỉ là những địa điểm tham quan, chiêm bái của các Phật tử trong cả nước mà 5 ngôi chùa Quảng Bình dưới đây còn ẩn chứa rất nhiều những giá trị lịch sử lâu đời mà có thể bạn chưa biết đấy nhé.
Tại Quảng Bình, có những ngôi chùa đã đi cùng với thời gian gần một thế kỷ, chứng kiến biết bao những biến cố, nếp gấp của thời gian để rồi ngày hôm nay trở thành một trong những nơi gìn giữ, bảo vệ tín ngưỡng của người dân nơi đây. Do đó, hãy cùng tham khảo và ghé qua khi bạn có kế hoạch đi du lịch Quảng Bình trong thời gian tới nhé.
1. Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình
Chùa Hoằng Phúc nằm tại thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Hiện nơi đây còn lưu dấu ngôi chùa cổ Hoằng Phúc có niên đại hơn 700 năm về trước. Chùa Hoằng Phúc là một trong số ít những ngôi chùa cổ của vùng đất Thuận Hóa xưa, gắn liền với đời Hoằng pháp của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông. Không ai rõ chùa được xây dựng từ thời nào nhưng chỉ biết vào thời điểm năm 1301, ngôi chùa đã xuất hiện ở đó. Trải qua gần 7 thế kỷ ở trên vùng đất Quảng Bình, ngôi chùa theo năm tháng đã chứng kiến biết bao đổi thay của đất nước. Theo lời truyền lại, vào năm 1301, Phật Hoàng đến đây để thuyết pháp, truyền giảng đạo lý Phật pháp. Lâu ngày, nơi đây trở thành ngôi chùa linh thiêng được các các đời vua sau này tiếp tục cho xây dựng, tu sửa để có được kiến trúc như ngày nay.
Chùa Hoằng Phúc Quảng Bình
Trong chiến tranh, khi các nước đế quốc, thực dân vào xâm lược nước ta, quân địch nhắm vào tàn phá trường học, chùa chiền, trong số đó, chùa Hoằng Phúc Quảng Bình vì thế cũng bị tàn phá nặng nề. Tuy nhiên, nhiều hiện vật có giá trị như: quả chuông đồng, mõ, tòa sen Phật, lư hương,v…v đã được cất giữ kịp thời tránh khỏi những đợt ném bom của quân địch. Chùa Hoằng Phúc cũng là nơi nuôi dưỡng bộ đội cách mạng, cất giấu vũ khí, diễn ra các cuộc họp bàn kế hoạch tiến đánh, kết nạp, huấn luyện cho đoàn dân quân tự vệ,… góp phần mang đến thắng lợi cho công cuộc lập lại hòa bình trên đất nước.
Sau khi được tu sửa và chính thức khánh hạ vào năm 2016, diện tích khuôn viên chùa vô cùng lớn, khoảng 10.000m2 nhưng diện tích thực đưa vào sử dụng chỉ tầm 100m2. Ngoài ra, phần diện tích còn lại chủ yếu là ao hồ, đất canh tác cho nhân dân trong vùng. Ngày nay, chùa Hoằng Phúc trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, đời sống tín ngưỡng và phục vụ nhu cầu tham quan, lễ Phật của các du khách tới Quảng Bình. Cách đi đến chùa Hoằng Phúc: Nằm cách trung tâm huyện Lệ Thủy 4km, cách Quốc lộ 1A 3km, từ chợ Mai đi vào.
2. Chùa Lý Hòa (Chùa Vĩnh Phước)
Chùa Lý Hòa hay còn gọi là chùa Vĩnh Phước là ngôi chùa có nét độc đáo hiếm có. Theo các sử liệu, từ năm 1738 dưới thời vua Lê Ý Tông, chùa Lý Hòa được xây dựng ở làng Lý Hoà, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngôi làng Lý Hòa vốn là làng có hệ thống đền chùa, vụ thờ cúng thần linh và nhân thần với 32 đền miếu. Năm 1802, dưới thời vua Gia Long niên hiệu thứ nhất, chùa được xây dựng lại với quy mô lớn trên diện tích khoảng 10.000m2. Tuy nhiên, trong giai đoạn kháng chiến, máy bay Mỹ phá hủy gần như hoàn toàn ngôi chùa này. Trong suốt một thời gian dài sau đó, chùa bị bỏ hoang, một phần lớn diện tích khuôn viên cũ chuyển thành đất thổ cư cho đến khi được người dân trong làng khôi phục lại vào những năm 2000. Lúc đầu, ngôi chùa chỉ được làm bằng gỗ lợp tranh đơn sơ nhưng sau nhiều lần tu bổ và tái kiến trúc, chùa Lý Hòa mới mang dáng vẻ như ngày nay.
Tư tưởng chủ đạo trong lối thiết kế chùa là sư hòa hợp Thiên, Địa, Nhân cùng với tư tưởng Tam giáo đồng nguyên. Theo thiết kế, tòa chùa chính với hai tầng mái, trong đó, phần mái trên tạo thành bằng bốn chữ Nhân khép kín, biểu tượng 4 yếu tố của tạo hóa đó là: “Đất, Nước, Lửa, Gió”. Mỗi mặt có một cửa kính hình tròn, biểu tượng cho tính “Không” của đạo Phật. Ở tầng mái dưới, 4 mặt gồm bốn nét gạch ngang thể hiện chữ Nhất, ý chỉ cho Trời (Thiên) theo quan niệm Lão giáo.
Chùa Lý Hòa (Chùa Vĩnh Phước)
Mái chùa được chống đỡ trên nền chùa bởi 8 trụ cột tròn, tượng trưng cho Bát Chính Đạo đồng thời cũng là yếu tố liên kết của Thiên, Địa, Nhân. Ngoài ra, yếu tố Địa của chùa còn thể hiện ở ba cấp nền biểu tượng cho tinh hoa của người quân tử theo quan niệm Nho giáo (Bi, Trí, Dũng). Chùa có 4 lối lên ở bốn mặt biểu tượng cho Tứ Vô Lượng Tâm (Từ, Bi, Hỷ, Xả) của đạo Phật, trong đó, phần cửa chính của chùa có hình vuông biểu tượng cho Đất, hình tròn biểu tượng cho Trời, ở giữa là tay nắm tròn biểu tượng cái tâm trống “Không” của Người. Bên cạnh đó, trong khuôn viên chùa còn có đài Quan thế âm, đài A di đà, nhà bia, nhà đặt chuông, tượng La Hán,v…v và các tiểu cảnh được bài trí hài hòa, phù hợp với kiến trúc của ngôi chùa.
Ngôi làng Lý Hòa tựa như một bán đảo nhỏ nép mình bên dòng sông Gianh cuồn cuộn chảy. Tại nơi đây, có một ngôi chùa lâu đời mang kiến trúc độc đáo khi phủ lên toàn bộ công trình từ nhỏ đến lớn đều được sơn màu trắng. Chùa Lý Hòa được tu bổ một lần nữa vào năm 2011 và khánh thành đón khách đến thăm viếng. Theo đó, nếu bạn đặt chân đến du lịch Quảng Bình và đi ngôi làng Lý Hòa thì đừng quên đến chùa Lý Hòa để chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của ngôi chùa này nhé.
Mái chùa được chống đỡ trên nền chùa bởi 8 trụ cột tròn, tượng trưng cho Bát Chính Đạo
3. Chùa Non núi Thần Đinh
Chùa Non hay còn có tên khác là chùa Kim Long, tính đến nay chùa đã có tuổi đời cũng hơn 300 năm. Chùa được xây dựng từ thời vua Lê Hy Tông, phía trên đỉnh của núi Thần Đinh. Trên đỉnh núi Thần Đinh có một khu đất rộng, khá bằng phẳng với chừng 200m2 là nơi người xưa đã chọn để xây dựng chùa. Chùa Non vốn là khu di tích tâm linh nổi tiếng tại núi Thần Đinh ở Quảng Bình. Theo đó, du khách muốn lên đến ngôi chùa cổ này du khách phải leo gần 1300 bậc đá. Dù vậy, vẫn có nhiều khách du lịch không ngại đường xá đến đây dâng hương, kính lễ.
Theo thời gian, chùa Non bị thời gian và chiến tranh tàn phá đến nay chùa chỉ còn lại một ngôi miếu nhỏ và nền móng của ngôi chùa cũ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đến đây để dâng hương kính Phật và kể cho nhau nghe lại về những huyền tích của núi Thần Đinh. Đặc biệt, cứ mỗi dịp mồng một tết cổ truyền, người lại đến chùa Non để vãn cảnh, dâng hương cầu mong một năm mới an lành.
Núi Thần Đinh
Trong vài năm nay có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, nghiên cứu di tích chùa Non, núi Thần Đinh để lập dự án đầu tư phát triển du lịch tâm linh, sinh thái, khôi phục lại chùa Non làm nơi dâng hương thờ Phật. Đến đây, du khách đều được nghe kể về sự linh thiêng của chùa Non. Quảng Bình là vùng đất giao thoa tiếp biến văn hóa trên hai chiều Bắc Nam và Đông Tây. Trong đó, lịch sử hình thành, đấu tranh dựng nước và giữ nước còn lưu giữ được nhiều di tích văn hóa, lịch sử, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nên du lịch Quảng Bình rất thuận lợi và tiềm năng để phát triển nhiều loại hình.
Chùa Non, núi Thần Đinh, nhận thấy vùng đất có vị trí địa lý khá độc đáo. Nằm ở độ cao trên 300m, gần đỉnh núi, vùng đất xây dựng chùa khá rộng và tương đối bằng phẳng. Tương truyền rằng, những người thành tâm khi đến dâng hương uống nước giếng nước thần sẽ gặp nhiều may mắn, tránh được ốm đau bệnh tật, làm ăn phát đạt về sau. Chùa Non đã và đang đón rất nhiều khách thập phương đến từ các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc.
Ở đây khí hậu mát mẻ, trong lành mặc dù phía dưới chân núi thì khí hậu nóng bức hơn. Ngoài ra, cánh rừng nguyên sinh ở đây vẫn còn khá nguyên vẹn, phía sườn núi tuy dốc nhưng có thảm thực vật dày, nên không thấy ít khi thấy sói mòn đất mà khi mưa nước sẽ thấm vào tầng đất, tạo nên môi trường trong lành, phát triển các loại thực vật quý. Điều đặc biệt lý thú là gần chùa có giếng Tiên với nguồn nước chảy ra từ trong mạch nước ngầm trong các khối đá quanh năm không bao giờ cạn.
Ở đây khí hậu mát mẻ, trong lành
Chùa Kim Phong – chùa Non tuy có lúc thịnh, lúc suy thế nhưng thu hút du khách đến với chùa Non, núi Thần Đinh không chỉ là phong cảnh núi non hữu tình mà đây còn là nơi lưu truyền câu chuyện cổ xa xưa. Ngôi chùa cổ hiện chỉ còn lại nền móng với diện tích khoảng 128m với những mảng tường còn lại phủ đầy rêu phong, ngôi miếu cổ linh thiêng hiện vẫn được người dân hương khói. Ngoài ra, đứng ở sân chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh, du khách có thể nhìn ngắm cả biển trời sông núi, từ Phá Hạc hải đến thành phố Đồng Hới và trung tâm huyện lỵ Quảng Ninh.
Chùa Kim Phong tục gọi là chùa Non, tọa lạc trên đỉnh núi Thần Đinh, cạnh bìa rừng của dãy Trường Sơn, tiếp giáp vùng đồng bằng huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy, cách trung tâm thành phố Đồng Hới 20 km, cách trung tâm huyện Quảng Ninh 20 km, cạnh sông Long Đại trong xanh uốn lượn mềm mại. Xưa nay, chùa Non vẫn được coi là một danh thắng: sơn hòa, thủy hòa, thiên địa chí hòa.
Du khách đến tham quan chùa Non, núi Thần Đinh đường đi rất thuận tiện. Bạn có thể men theo đường Hồ Chí Minh phía nhánh Đông, đến địa phận xã An Ninh, huyện Quảng Ninh sẽ có một con đường nhựa rẽ lên phía Tây. Đi tiếp chừng 8 km sẽ đến chân núi Thần Đinh. Từ đây, bạn tiếp tục phải vượt qua chặng đường 1260 bậc đá xuất phát từ chân núi lên đỉnh. Trong đó, hai bên đường cây cối um tùm che gần kín mặt đường, khi bạn càng leo lên cao không khí sẽ càng mát mẻ, tĩnh mịch và linh thiêng hơn.
4. Chùa Ngọa Cương
Chùa Ngọa Cương nằm trên một ngọn núi cao thuộc xã Cảnh Hòa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngôi cổ tự này được xây từ thế kỷ 16 cho đến nay đã trở thành điểm tham quan khá nổi tiếng ở Quảng Bình. Chùa Ngọa Cương đang ngày càng thu hút những du khách muốn tìm hiểu về đời sống tâm linh cũng như thu hút khách du lịch đến tham quan và khám phá lối kiến trúc độc đáo của nơi đây. Từ những ngày đầu, chùa Ngọa Cương được xây dựng đơn sơ từ tre nứa cho đến năm 1860, chùa được xây mới bởi sự đóng góp công sức và tiền của của được người dân nơi đây.Theo đó, chùa không chỉ đẹp và ấn tượng về kiến trúc mà còn gắn liền với lịch sử của dân tộc của đất nước. Đặc biệt trong các cuộc chiến tranh xâm lược, chùa Ngọa Cương gắn với phong trào cách mạng nhin nhóm và lan rộng ra từ đây. Tinh thần cách mạng của mảnh đất Quảng Bình được thắp sáng khiến cho chính nơi này đã từng bị đánh phá ác liệt.
Và từ đó đến nay chùa Ngoạ Cương là nơi người dân tìm đến gửi gắm khát vọng tâm linh cũng như niềm tin của người dân về một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hành trình tìm hiểu khám phá mãnh đất này. Bề ngoài, chùa Ngoạ Cương không có kiến trúc đồ sộ như những ngôi chùa khác, tuy nhiên chùa có kiến trúc và lối xây dựng đặc biệt kiên cố. Điển hình đó là những bức tường dày lên đến 1 mét, từ ngoài cổng vào sẽ thấy cổng chừa được xây dựng với hai phần thân và lầu. Mái cổng được uốn cong và được đắp hình rồng, phượng. Trong khi bên trong mái chùa Ngọa Cương hình vòm được điêu khắc nhiều họa tiết đẹp.
Chùa Ngọa Cương
Đến tham quan chùa Ngọa Cương, người ta còn ấn tượng bởi khuôn viên rộng được bao bọc bởi tường rào xung quanh. Về sau này khi chùa Ngọa Cương được tôn tạo lại, phía lối lên chùa khắc họa hình hai con rồng được xây phủ sơn vàng uy nghi ở hai bên. Trong khi đó, các bậc tam cấp lên chùa được lát gạch đẹp mắt cùng nhiều tiểu cảnh được uốn nắn tạo nên một khuôn viên rất thoáng mát và xanh mắt. Khi những cuộc chiến tranh đã đi qua nhưng những nỗi đau và tinh thần bất khuất của các anh hùng đã hi sinh vì hòa bình dân tộc. Đây chắc chắn sẽ là những bài học quý báu mà người dân Quảng Bình muốn truyền dạy đến con cháu của muôn đời sau. Đồng thời, với những ưu ái mà thiên nhiên ban tặng cho một mảnh đất đầy nắng đầy gió, với những con người hiền hậu và chân chất thì du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính với những kiến trúc của chùa không chỉ đẹp mà còn gắn liền với lịch sử của dân tộc một thời.
Ngày nay, chùa Ngọa Cương đã trở thành điểm du lịch cho nhiều du khách du lịch Quảng Bình đến vãn cảnh cũng như gửi gắm những ước nguyện tâm linh, lòng tin, lòng thờ phụng cùng những phút giây thoải mái, tự tại nhất khi đến tham quan. Nếu bạn có kế hoạch du lịch Quảng Bình trong hè này thì đừng bỏ lỡ địa điểm này nhé. Theo đó, khi du khách đến du lịch ở chùa Ngọa Cương có thể yên tâm về các phương tiện giao thông. Đối với du khách nào ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh thì có thể đi máy bay, xe khách, tàu hỏa là những phương tiện rất thuận tiện. Hoặc du khách ở gần cũng có thể đi xe máy. Ngoài ra, ở miền Trung khí hậu có 2 mùa rõ rệt mùa mưa và mùa khô, do vậy mà khi đi du lịch du khách hãy tham khảo thời tiết để có một chuyến du lịch đầy ý nghĩa tại Quảng Bình nhé.
Ngày nay, chùa Ngọa Cương đã trở thành điểm du lịch cho nhiều du khách đến vãn cảnh
5. Chùa Thanh Quang
Chùa Thanh Quang nằm tại thôn Thanh Khế, xã Thanh Trạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Chùa biết đến như là ngôi chùa nổi tiếng được hình thành từ trong giai đoạn sơ khai của Phật giáo Quảng Bình. Những người dân trong vùng cho biết, chùa Thanh Quang đã tồn tại ở đây ít nhất cũng trên 300 năm. Có lẽ vì thế mà chùa được người dân làng bảo quản và xem như một “gia bảo” đáng quý trong vùng.
Theo đó, trong thời kỳ phong kiến, điển hình là thời nhà Lê (1442-1492) đã có kế hoạch mở rộng đất nước về phía Nam. Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, chùa bị phá sập hoàn toàn tuy nhiên sau khi nhà Nguyễn bình định đất nước thì Phật giáo Quảng Bình cũng được phục hưng, chùa Thanh Quang cũng được trùng tu. Tại đây Phật giáo tiếp tục phát triển và do đó mà một loạt những ngôi chùa đã được các thiền sư và người dân làng dựng lên tại Quảng Bình, trong số đó có chùa Thanh Quang. Tiếp nối lịch sử, trong cuộc chiến tranh Pháp – Mỹ, chùa bị bom đạn đánh sụp đổ hoàn toàn chỉ còn lại vòm cổng tam qua, bệ thờ nghiêng ngả, còn lại là một vùng đất hoang vu. Chùa chiền lúc này không có cơ hội để xây dựng lại cho đến những năm sau này khi hòa bình lập lại, đời sống người dân về cơ bản đã được ổn định thì dân làng ở đây mới có điều kiện tìm hiểu Phật pháp, tu sửa, xây dựng lại chùa chiền làm nơi tu học hướng thiện cho bà con.
Chùa Thanh Quang
Ngày nay, tổng thể kiến trúc chùa Thanh Quang được tu bổ rất khang trang và kiên cố. Đứng từ ngoài vào, cổng tam quan được thiết kế với chất liệu bê tông cố thép trông rất đồ sộ và kiên cố. Mái lợp ngói hài sơn màu hiện đại, đài Quan Thế Âm hình bát giác, có cổ lầu và nhiều giao long được đắp sành sứ rất công phu tinh xảo. Trong khi đó, pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá cẩm thạch trắng được đặt tử Non Nước, Đà Nẳng rất trang nghiêm và đẹp. Ngôi chính điện của chùa Thanh Quang có lối kiến trúc khá lạ và độc đáo. Đó là ngôi tiền đường được thiết kế chạy dài vượt qua hai nóc của hai lầu chuông trống, đẩy hai lầu chuông trống nhô ra phía trước khiến dáng vẻ mạnh mẽ hơn. Bên trên được trang trí rồng chầu Pháp luân và mái bê tông sơn màu đỏ dã ngói. Trong chính điện thiết kế theo dạng vòm, không gian hành lễ khoảng 100m2, các bệ và ban đều được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng. Phần chính điện thờ Phật Bổn Sư Thích Ca, trong đó, bên tả thờ Bồ tát Quán Thế Âm, bên hữu thờ Bồ tát Địa Tạng, phía sau thờ chư Tổ và chư hương linh tiền bối hữu công.
Hầu hết chùa được đúc bằng bê tông chắc chắn nên trông khá kiến cố. Qua nhiều năm việc xây dựng lại ngôi chùa Thanh Quang là một điều đáng quý vì ngoài đem đến một nơi tín ngưỡng, tâm linh cho người dân trong vùng thì chùa còn là nơi để các Phật tử tu tập, phục vụ đạo pháp, đem lại nhiều điều hay lẽ phải hơn cho người dân. Chính vì sự lan rộng về truyền thống học tập Phật giáo mà hiện nay hầu hết người dân trong làng Thanh Khê và xã Thanh Trạch đều là các Phật tử thường xuyên đến chùa để lễ bái, tụng kinh niệm Phật.
Với những người thích tâm linh khi đi du lịch Quảng Bình thường thắc mắc chùa lớn ở Quảng Bình có chùa gì lâu đời và cổ kính thì chắc hẳn sẽ không thể bỏ qua 5 ngôi chùa kể trên đều đã có lịch sử hình thành và phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử. Do đó, nếu bạn chưa biết tới ngôi chùa nào thì hãy tới thử xem những gợi ý kể trên nhé.
Bình luận