Kỳ nghỉ năm mới ở Trung Quốc thường kéo dài trong 15 ngày. Trong những ngày này, bên cạnh các phong tục truyền thống được duy trì cũng có một số điều mà theo người Trung Quốc là cấm kỵ. Sau đây là 10 điều thú vị về Tết của người Trung Quốc:
1. Sự khác nhau về ngày
Ngày diễn ra Tết Nguyên Đán của Trung Quốc được tính dựa trên sự kết hợp chuyển động giữa mặt trời và mặt trăng, do đó sẽ khác nhau mỗi năm. Khoảng thời gian Tết thường rơi vào giữa ngày 21-1 và 20-2 theo dương lịch. Năm nay, kỳ nghỉ năm mới bắt đầu từ hôm 27-1 (nhằm giao thừa 30-12 âm lịch) và kéo dài trong 15 ngày.
Người dân đón Tết trên đường phố ở thành phố An Khang, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Ảnh: GETTY IMAGES
2. Gọi Tết theo 12 con giáp
Người Trung Quốc thường dùng 12 con giáp để đặt tên cho Tết mỗi năm, gồm Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Hổ), Mão (Thỏ), Thìn (Rồng), Tỵ (Rắn), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê/Cừu), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Lợn). Tuy nhiên, ở một số nước châu Á, lại có một số khác biệt nhất định, ví dụ Việt Nam không có năm Thỏ mà chỉ có năm Mèo.
Người Trung Quốc đặt tên cho Tết mỗi năm theo 12 con giáp. Năm nay, 2017, là năm con Gà. Ảnh: GETTY IMAGES
3. ‘Di dân’ đông nhất thế giới
Khoảng 200 triệu người Trung Quốc đại lục di chuyển các quảng đường xa xôi để về quê sum họp gia đình mỗi dịp năm mới. Ước tính có gần 3,5 tỉ lượt di chuyển như thế này trong suốt 15 ngày Tết ở Trung Quốc, một con số mà không quốc gia nào có thể địch lại được.
4. Tiêu thụ pháo hoa lớn nhất thế giới
Vào đêm giao thừa, người Trung Quốc thường có truyền thống đốt pháo hoa để tiễn năm cũ, chào đón năm mới. Người Trung Quốc tin rằng tiếng pháo phát ra sẽ giúp xua đuổi ma quỷ. Bên cạnh việc bắn pháo hoa, người Trung Quốc cũng mua pháo về đốt tại nhà vào tối giao thừa.
Đốt pháo đêm giao thừa ở một góc phố của TP Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: REUTERS
5. Lễ hội đèn lồng kết thúc Tết Nguyên Đán
Vào tối 15-1 âm lịch, người Trung Quốc cùng tụ họp ăn uống và đốt đèn lồng. Họ viết những điều ước lên các chiếc đèn lồng và thả chúng bay lên bầu trời. Lễ hội đèn lồng sẽ đánh dấu ngày cuối cùng của kỳ nghỉ năm mới.
6. Mỗi ngày một lịch trình
Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài trong 15 ngày, mỗi ngày có một phong tục truyền thống đặc trưng. Ví dụ, Mùng Một là ngày để thăm hỏi những người lớn tuổi trong gia đình, Mùng Hai là ngày con gái đã có chồng về quê thăm bố mẹ.
Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc diễn ra trong 15 ngày. Ngày 15 của tháng âm lịch đầu tiên sẽ diễn ra lễ hội đèn lồng, đánh dấu kết thúc kỳ nghỉ năm mới. Ảnh: GETTY IMAGES
Bên cạnh đó, cũng có những điều cấm kỵ trong suốt kỳ nghỉ Tết. Người Trung Quốc quan niệm nếu bạn phạm phải những điều này thì sẽ gặp xui xẻo trong năm mới.
7. Không uống thuốc
Mùng Một Tết, bạn không được nấu thuốc hoặc kê thuốc uống vì người Trung Quốc tin rằng nếu làm vậy bạn sẽ bị bệnh tật cả năm.
8. Trả hết nợ trước ngày giao thừa
Nếu bạn mượn tiền của bạn bè, bạn phải trả hết số tiền mượn trước ngày giao thừa. Cho mượn tiền vào ngày Mùng Một Tết cũng là một điều cấm kỵ.
Cảnh đón Tết của người Hoa hôm Mùng Một ở khu Chinatown ở quận Manhattan, TP New York (Mỹ). Ảnh: STEPHEN YANG
9. Tránh dùng dao kéo
Cần tránh dùng dao kéo để năm mới tránh gặp hoạn nạn. Vì nếu bạn vô tình làm bị thương chính mình hoặc người khác thì đó là một điềm gở cho năm mới.
10. Không cắt tóc vào Mùng Một Tết
Người Trung Quốc quan niệm nếu bạn cắt tóc vào Mùng Một Tết thì cậu của bạn sẽ chết.
Quan niệm này xuất phát từ một câu chuyện như sau: Ngày xưa, có một anh thợ cắt tóc mồ côi rất thương cậu của mình. Năm mới anh thợ muốn tặng cho người cậu của mình một món quà nhưng vì gia cảnh nghèo, cậu chỉ có thể “cho” chú mình một mái tóc mới để ăn Tết. Trông trẻ trung hơn sau khi được cắt tóc, người cậu nói rằng đó là món quà ý nghĩa nhất mà ông từng được nhận. Người cậu ao ước sẽ được cắt tóc mỗi dịp năm mới.
Người Trung Quốc quan niệm không hớt tóc vào Mùng Một Tết. Ảnh: SINA
Sau khi người cậu qua đời, anh thợ cắt tóc nhớ ông tới mức khóc nức nở mỗi khi đón năm mới. Trong tiếng Trung, từ “nhớ cậu” (si jiu, Hán-Việt: tư cữu) khi được phát âm rất giống với từ “cậu chết” (si jiu, Hán-Việt: tử cữu). Do đó, qua thời gian, người Trung Quốc có quan niệm không hớt tóc vào Mùng Một Tết, theo China Daily.
NGUỒN: BẢO ANH/PLO.VN
Bình luận